TOP_BANNER

Bên nhau ngày gian khó

Đợt dịch Covid-19 thứ 4, từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 10 năm 2021, đã gây ra nhiều khó khăn cho người dân TP.HCM, cư dân trong khu đô thị Phú Mỹ Hưng cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, như một câu dân ca xứ Nghệ: “qua gian nan lận đận, mới hiểu tận lòng nhau”, cùng nhau đi qua những ngày gian khó, cư dân Phú Mỹ Hưng càng gần gũi và thấu hiểu nhau hơn.

Giãn cách những không xa cách

Ngày 31/5/2021, Thành phố áp dụng Chỉ thị 15, giãn cách xã hội trên toàn thành phố. Ngày 19/6/2011, Thành phố nâng mức giãn cách lên Chỉ thị 16. Đỉnh điểm hơn, từ ngày 6/8/2021, Thành phố buộc phải thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16+ vì những diễn biến khốc liệt của dịch Covid-19. Đó là một giai đoạn mà khó khăn chồng chất khó khăn, người dân Thành phố, trong đó có cư dân Phú Mỹ Hưng, vừa căng mình chống dịch, vừa xoay sở lo toan cuộc sống. Trong bức tranh nhiều gam màu tối ấy thì tình người, sự đùm bọc, tương trợ lẫn nhau trong cơn hoạn nạn trở thành những điểm sáng lung linh.

Khi nhà nhà phải đóng cửa vì lệnh giãn cách, thì cũng là lúc các nhóm trò chuyện của cư dân ở các khu phố trong khu đô thị Phú Mỹ Hưng được lập ra trên Zalo, Viber, WhatsApp nhiều hơn, rôm rả hơn.

Thư cảm ơn của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức gửi đến cư dân khu Nam Viên vì những đóng góp trong công tác phòng, chống dịch.
Một bữa ăn mà cư dân Phú Mỹ Hưng nấu cho bảo vệ khu phố trong những ngày giãn cách.

“Hầu như khu phố nào cũng có nhóm trò chuyện riêng. Ban đầu là để cập nhật thông tin, tình hình dịch bệnh, đến khi thành phố giãn cách gắt gao thì chuyện lương thực, thực phẩm trở thành đề tài nóng bỏng. Lúc thì chia sẻ nhau thông tin những nơi cung cấp thực phẩm ngon, rẻ, lúc thì kêu gọi nhau cùng mua với số lượng lớn để tiết kiệm chi phí vận chuyển, lúc thì giúp nhau đi chợ … Dù chỉ là cọng hành, bó rau hay bịch bún nhưng ai cũng cảm nhận được sự tương trợ ấm áp, chân thành”, chị May Louden, cư dân khu phố Nam Thông chia sẻ.

Chị Văng Thị Hoài Linh, cư dân khu phố Mỹ Khang, chia sẻ: “Mình về Phú Mỹ Hưng sống nhiều năm nhưng thành thật mà nói chưa bao giờ thấy các gia đình trong khu phố lại gắn kết như trong đợt dịch vừa qua. Mọi người san sẻ với nhau từng chút một, khi thì rau củ, khi thì trái cây … Một nhà nào đó mua được nhiều, lại phân chia thành từng bịch nhỏ, mang đến treo trên cửa nhà hàng xóm. Thế đó, giãn cách không ai gặp ai, nhưng tình làng nghĩa xóm ngày càng thân thiết và thắm thiết”.

Chung tay san sẻ cộng đồng

Một miếng khi đói bằng một gói khi no, không chỉ tương trợ nhau lúc khó khăn, cư dân Phú Mỹ Hưng còn chung tay san sẻ với cộng đồng, với xã hội trong những ngày Thành phố oằn mình trong đại dịch. 

Chị Ngọc Hường, cư dân khu phố Mỹ Khang, kể lại: “Trong những ngày giãn cách, nhiều nhân viên bảo vệ, tạp vụ ở các khu phố trong khu đô thị Phú Mỹ Hưng phải làm việc theo nguyên tắc “3 tại chỗ” (làm việc, giãn cách, ăn nghỉ). Để chia sẻ cùng họ những khó khăn, vất vả, thông qua các nhóm trò chuyện, cư dân trong các chung cư đã kêu gọi nhau gom góp, ủng hộ. Khi là tiền mặt, khi là những phần lương thực, thực phẩm. Ấm lòng nhất là những bữa ăn của cư dân nấu cho bảo vệ, tạp vụ. Những bữa ăn không cao sang gì, nhưng được cư dân chăm chút tươm tất, giúp họ phần nào vơi đi cảm giác xa nhà, xa người thân trong những ngày giãn cách”.

Hình ảnh hàng xóm chia sẻ nhau từng bịch trái cây, bó rau … trong mùa dịch đã trở nên quen thuộc đối với cư dân Phú Mỹ Hưng.

Thời điểm đó, nhiều công trường xây dựng trong khu đô thị Phú Mỹ Hưng cũng phải tạm dừng hoạt động, nhiều công nhân thực hiện giãn cách ngay tại công trường. Biết họ thiếu thốn điều kiện nấu nướng, sinh hoạt, cư dân Phú Mỹ Hưng lại cùng nhau ủng hộ những phần lương thực, thực phẩm, những bữa ăn.

Nổi bật trong các hoạt động từ thiện xã hội ở Phú Mỹ Hưng trong đợt dịch vừa qua phải kể đến là cộng đồng cư dân khu Nam Viên. Chị Văn Kiều Nguyệt Hồng, cư dân khu phố Mỹ Thái 1, tổ trưởng tổ 38, khu phố 6 phường Tân Phú, kể lại: “Từ sự phát động của anh cảnh sát khu vực, phong trào quyên góp, ủng hộ các khu vực bị phong tỏa bắt đầu lan rộng trong cộng đồng cư dân Nam Viên. Tinh thần nhường cơm sẻ áo trở nên sôi nổi, nhiều gia đình tích cực tham gia ủng hộ, cả vật chất lẫn công sức. Cùng với đó là sự tích cực của nhiều cá nhân như anh Bùi Duy Đức, trưởng khu phố 6 phường Tân Phú và sự hỗ trợ của chính quyền, như chị Nguyễn Thị Phương Phượng, công tác bên Mặt trận Tổ quốc của khu phố, mà chúng tôi kết nối được với các khu vực phong tỏa, các gia đình bị cách ly. Riêng tôi, tôi phụ trách việc liên hệ với các đơn vị cung cấp lương thực, thực phẩm”.

Một miếng khi đói bằng một gói khi no, số tiền 300 triệu đồng mà cộng đồng cư dân Nam Viên đóng góp đã trở thành những phần hỗ trợ quý giá, kịp thời gửi đến tay những gia đình bị cách ly, phong tỏa, những hoàn cảnh khó khăn vì dịch bệnh tại phường Tân Phú.

Không những thế gần 200 hộ dân ở các khu phố Mỹ Thái 1, Nam Thông 1, Nam Thông 2, Nam Thông 3, Mỹ Gia, Nam Viên, Chateau … còn cùng nhau quyên góp một quỹ riêng, được khoảng 140 triệu đồng, để ủng hộ cho các bệnh viện dã chiến, các nhân viên y tế, y bác sĩ tuyến đầu chống dịch.

Nhân viên y tế bệnh viện dã chiến Việt Đức chia sẻ cho bệnh nhân trái cây do cư dân Phú Mỹ Hưng gửi tặng.

“Trong hoàn cảnh dịch bệnh, các y bác sĩ như những người chiến sĩ nơi tiền tuyến. Chúng tôi ở hậu phương, góp sức cùng tiền tuyến là việc nên làm. Chúng tôi đã trích một phần để ủng hộ bệnh viện Quận 7 mua đồ bảo hộ cấp 4, phần còn lại chúng tôi tập trung ủng hộ Trung tâm Hồi sức tích cực của Bệnh viện  Việt Đức tại Bình Chánh, TP.HCM. Bên cạnh tiền mặt, nhiều cư dân còn gửi đến các y bác sĩ nhiều món quà ý nghĩa khác như 400 bữa ăn nóng, 2 tấn trái cây, 500 trái dừa tươi, bánh, sữa, cafe, cá hộp, nước tăng lực …  với tổng giá trị lên đến trên 50 triệu đồng”, chị Nguyệt Hồng chia sẻ thêm.

Những ngày gian khó đã qua, giờ nhìn lại chị Nguyệt Hồng vẫn còn cảm nhận được sự chân tình, ấm áp từ cộng đồng cư dân nơi mình sinh sống: “Có những cư dân dù chưa một lần gặp, chưa biết mình là ai, chỉ nghe lời kêu gọi trên nhóm, đã sẵn sàng đóng góp hàng chục triệu đồng. Từ nhưng sự đồng lòng như thế, cộng đồng cư dân Phú Mỹ Hưng chúng tôi đã tạo nên sự gắn kết của mình, gần gũi hơn, thấu hiểu hơn khi đã cùng nhau đi qua những ngày gian khó”.

Bài và ảnh: Ngọc Hường – Thanh Toàn – Cư dân Phú Mỹ Hưng

kết nối

0FansLike
0SubscribersSubscribe
- Advertisement -spot_img

tin mới