TOP_BANNER

Đô thị Phú Mỹ Hưng – 30 năm Hành trình khát vọng

Sau bước khởi đầu thuận lợi với dự án Khu chế xuất Tân Thuận, năm 1993, Tập đoàn CT&D (tên hiện nay là Tập đoàn Phú Mỹ Hưng Asia Holdings) và Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân thuận – IPC (thuộc UBND TP.HCM) tiếp tục liên doanh để thành lập Công ty Phú Mỹ Hưng với hai chức năng lớn: Xây dựng đại lộ Nguyễn Văn Linh và xây dựng 5 cụm đô thị (A, B, C, D, E) dọc Đại lộ Nguyễn Văn Linh, theo đồ án Quy hoạch Tổng thể khu Nam Sài Gòn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (khu A) có diện tích 433 ha, thuộc xã Phú Mỹ, huyện Nhà Bè xưa, vốn là vùng đầm lầy, sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế thấp. Bằng những nỗ lực không biết mệt mỏi, với bao tâm lực của nhiều thế hệ, khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng từng bước được hình thành. Hạ tầng cơ sở như giao thông, điện, nước, viễn thông… và tiện ích xã hội như trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại, tài chính… qua từng giai đoạn được xây dựng và hoàn chỉnh, kiến tạo nên một không gian đô thị với chất lượng sống tốt.

Sau 30 năm xây dựng và phát triển, Phú Mỹ Hưng trở thành một trong những khu đô thị đáng sống nhất tại Việt Nam, là mô hình tiên phong trong việc phát triển, vận hành và quản lý khu đô thị.

Hiện tại, khu đô thị Phú Mỹ Hưng được xem là trung tâm tài chính, kinh tế của khu vực phía Nam Thành phố, thu hút hơn 39.000 cư dân sinh sống và rất nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đặt văn phòng, trụ sở kinh doanh, tạo tiền đề thuận lợi cho mục tiêu lớn của Thành phố Hồ Chí Minh: phát triển Thành phố hướng ra Biển Đông.

Nhân dịp 30 năm Ngày thành lập Công ty Phú Mỹ Hưng (19/5/1993 – 19/5/2023), Tập san Phú Mỹ Hưng Ngày Nay xin mời bạn cùng nhìn lại chặng đường 30 năm, từ một vùng đầm lầy trở thành một khu đô thị Phú Mỹ Hưng văn minh, hiện đại – một hành trình đầy tự hào và khát vọng, qua phóng sự ảnh sau.

Phần 1: Vươn lên từ đầm lầy

Hình ảnh thực tế vùng đất Nhà Bè xưa, vào những năm 1990, thời điểm chuẩn bị triển khai dự án Khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Nhà Bè xưa vốn là một vùng đầm lầy, dân cư thưa thớt, các hoạt động sản xuất nông nghiệp lạc hậu, không mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Năm 1993, Cuộc thi Quy hoạch Quốc tế khu đô thị Nam Sài Gòn được tổ chức. Kết quả, đồ án quy hoạch tổng thể khu đô thị Nam Sài Gòn 2.600 ha, với 21 phân khu chức năng (trong đó có khu đô thị Phú Mỹ Hưng) do Công ty Skidmore, Owings & Merrill (Mỹ) quy hoạch tổng thể, cùng với sự tư vấn về kỹ thuật của Công ty Koetter Kim & Associates (Mỹ) và Công ty Kenzo Tange & Associates (Nhật Bản) đã được chọn. Ngày 8/12/1994, Quy hoạch Tổng thể đô thị mới Nam Sài Gòn được Thủ tướng Chính phủ  phê duyệt tại Quyết định số 749/TTg.

Ngày 19/5/1993, Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng được thành lập với chức năng xây dựng, phát triển 5 cụm đô thị (A, B, C, D, E) và xây dựng Đại lộ Nguyễn Văn Linh theo bản Quy hoạch Tổng thể đô thị mới Nam Sài Gòn đã được Chính phủ phê duyệt.

Những năm sau đó, Công ty Phú Mỹ Hưng bắt đầu các hoạt động san lấp, xây dựng cơ sở hạ tầng cho khu đô thị Phú Mỹ Hưng và khởi công xây dựng giai đoạn 1 tuyến đường Nguyễn Văn Linh.

Trường Nam Sài Gòn và Trường Quốc tế Nam Sài Gòn (SSIS) là tiện ích xã hội đầu tiên được xây dựng tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng.

Tháng 4/1998, Phú Mỹ Hưng công bố dự án nhà ở đầu tiên – dự án Mỹ Cảnh. Đầu những năm 2000, khu đô thị Phú Mỹ Hưng bắt đầu chào đón những cư dân đầu tiên về đây sinh sống.

Đại lộ Nguyễn Văn Linh hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 1998, giai đoạn hai vào năm 2003.

Trong khoảng 5 năm tiếp theo, từ 2003 – 2008, Phú Mỹ Hưng tiếp tục xây dựng các dự án nhà ở, với nhiều dòng sản phẩm khác nhau có thể kể đến như: Mỹ An, Hưng Vượng, Mỹ Khánh, Park View, Grand View, Phú Gia, Panorama, Riverside Residence … Các tiện ích xã hội cũng được hoàn thiện với hệ thống các trường học, bệnh viện, cao ốc văn phòng.

Năm 2007, Đại lộ Nguyễn Văn Linh hoàn thành giai đoạn 3 với chiều dài 17,8 km, lộ giới 120m, trở thành tuyến đường huyết mạch của khu vực phía Nam Thành phố. Năm 2008, khu đô thị Phú Mỹ Hưng được Bộ xây dựng công nhận là khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên của cả nước.

Các sự kiện cộng đồng cũng bắt đầu được tổ chức tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng như Đi bộ từ thiện Lawrence S. Ting, Hội hoa xuân Phú Mỹ Hưng, Cuộc thi thả diều, Cuộc thi vẽ tranh … thu hút nhiều người đến tham gia, mang lại nhịp sống sinh động cho khu đô thị.

Trong giai đoạn 2008 – 2018, Phú Mỹ Hưng từng bước nâng cao chất lượng không gian sống của khu đô thị với việc xây dựng và đưa vào sử dụng nhiều công trình tiện ích như Trường THCS & THPT Đinh Thiện Lý, Trung tâm Hội chợ triển lãm Sài Gòn, Cầu Ánh Sao, Trung tâm thương mại Crescent Mall …

Trong gai đoạn này, các dự án nhà ở cao cấp được triển khai như: Happy Valley, Chateau, Star Hill, Scenic Valley, Green View, Hưng Phúc,… đã cơ bản đinh hình nên diện mạo của khu đô thị Phú Mỹ Hưng văn minh, hiện đại (Ảnh: Phú Mỹ Hưng)

Phần 2 – Phú Mỹ Hưng tuổi 30

Ở tuổi 30, Phú Mỹ Hưng được xem là trung tâm kinh tế, tài chính, văn hoá, giải trí, giáo dục… của khu vực phía Nam thành phố.

Từ một vùng đầm lầy, sau 30 năm xây dựng và phát triển, Phú Mỹ Hưng vươn mình thành một khu đô thị hiện đại, đáng sống bậc nhất tại Việt Nam (Ảnh: Nguyễn Minh Tú)

Khu Thương mại Tài chính Quốc tế của Phú Mỹ Hưng thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đặt văn phòng, trụ sở. Có thể kể đến như: Unilever, UOA, Petro Land, Vinamilk, Manulife, Cobi … (Ảnh: Thanh Toàn)

Trong giai đoạn này, Phú Mỹ Hưng cũng đã đưa vào hoạt động nhiều công trình đẳng cấp như: Phu My Hung Tower, Crescent Mall 2, SECC giai đoạn 2…  (Ảnh: Phạm Hữu Khánh)

Các dòng sản phẩm nhà ở cao cấp, hạng sang cũng xuất hiện, nổi bật có thể kể đến như khu phức hợp Midtown, The Horizon, The Asentia, The Antonia,… (Ảnh: Trần Ngọc Dũng)

Tính đến nay, Phú Mỹ Hưng đã cung cấp cho thị trường hơn 110 dự án nhà ở, với hơn 20.000 sản phẩm (Ảnh: Nguyễn Công Thử)

Khu đô thị Phú Mỹ Hưng hiện tại là nơi an cư của khoảng 39.000 cư dân, trong đó có khoảng 31% là người nước ngoài (Ảnh: Thanh Toàn)

Phú Mỹ Hưng còn là môi trường học tập, làm việc của hàng chục ngàn người với hệ thống các trường học đầy đủ cấp bậc, loại hình và rất nhiều các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đặt văn phòng, trụ sở (Ảnh: Phạm Hữu Khánh)

30 năm xây dựng và phát triển, Phú Mỹ Hưng định hình là một “đô thị xanh” với mật độ xây dựng bình quân toàn khu chỉ khoảng 30%. Phú Mỹ Hưng có hàng chục công viên, bao gồm những công viên lớn có diện tích vài hecta đến những công viên nội khu, có diện tích vài trăm, đến vài ngàn mét vuông, góp phần làm nên mật độ cây xanh bình quân theo đầu người lên đến 8,9 m2 (Ảnh: Giang Sơn Đông)

Hành trình 30 năm của Phú Mỹ Hưng xứng đáng được gọi tên là Hành Trình Khát Vọng –  khát vọng của một dự án mang dấu ấn tiên phong, khát vọng của sự vươn lên của một vùng đất, khát vọng của ước mơ phát triển Thành phố hướng ra biển Đông (Ảnh: Nguyễn Huy Sơn)

Thanh Toàn

kết nối

0FansLike
0SubscribersSubscribe
- Advertisement -spot_img

tin mới