LÀ KHU ĐÔ THỊ SỐNG XANH, SỐNG KHỎE, ĐẶC BIỆT RẤT CHÚ TRỌNG BẢO TỒN THIÊN NHIÊN; NHỮNG THUẬN LỢI ĐÓ Ở PHÚ MỸ HƯNG ĐÃ GIÚP HÌNH THÀNH NÊN MỘT LỚP CƯ DÂN YÊU THÍCH THIÊN NHIÊN, SAY MÊ KHÁM PHÁ, THỬ THÁCH VÀ THỂ THAO. GẦN ĐÂY, SỰ KIỆN MỘT ĐÀN CÒ TỰ NHIÊN QUẦN TỤ VỀ ĐẢO XANH GIỮA HỒ BÁN NGUYỆT ĐÃ GÂY CHO CƯ DÂN NHIỀU HỨNG THÚ. ĐẶC BIỆT, MỘT NGƯỜI TRONG SỐ ĐÓ ĐÃ HÀO HỨNG “SĂN TÌM” KHI NGHE TIN NÀY; BỞI ĐAM MÊ CỦA ANH LÀ CHỤP ẢNH CÁC LOÀI CHIM HOANG DÃ SỐNG GIỮA ĐẦM LẦY, NÚI RỪNG, BIỂN CẢ.
TRONG SỐ NÀY, CHÚNG TÔI XIN GIỚI THIỆU VỀ CƯ DÂN PHÚ MỸ HƯNG ẤY.
Anh Lê Tuấn Anh, cư dân Phú Mỹ Hưng, nhà kỹ thuật, doanh nhân và trên hết là người yêu thiên nhiên hoang dã. Cách yêu của anh thể hiện qua thị giác, yêu bằng đôi mắt, ở đây là đôi mắt của một nhà nhiếp ảnh và đối tượng yêu cụ thể là các nàng chim hoang dã giữa đại ngàn, sông hồ, biển cả.
Cơ duyên đến với nhiếp ảnh của Tuấn Anh từ lúc còn là sinh viên khi được cụ Võ An Ninh, cây đại thụ của nhiếp ảnh Việt Nam nhận làm học trò, lớp học trò sau cùng của cụ Võ. Bài học nằm lòng mà Tuấn Anh học từ cụ là tính kiên nhẫn trong nghề. Chính từ đây, Tuấn Anh mới có thể dựng trại, nằm rừng nhiều ngày kiên trì chờ đợi các nàng chim xuất hiện; bởi thú vui này không phải là cuộc dạo chơi thư thả, mà là cuộc chơi gian khổ, phải băng rừng, lội suối, nằm co ro trong rừng giữa đêm… Chưa hết, người chơi còn phải sẵn sàng ứng chiến mọi lúc mọi nơi. Một lần nghe tin báo có chim nuôi con xuất hiện ở Vũng Tàu, đang họp ở Tây Nguyên, anh chạy xe về thành phố và 2 giờ sáng phi luôn ra Vũng Tàu, dựng trại để chờ chụp.

Kế đó còn phải học, học kiến thức về chim hoang dã, loài chim đó tên tiếng Việt, tên tiếng Anh lẫn tên khoa học là gì, sống ở đâu, di cư từ đâu đến, môi trường sinh sống, sống ở khu vực nào, độ cao bao nhiêu… Rồi phải am hiểu địa hình nơi chim xuất hiện, tập tính của từng loài để dựng hiện trường chụp: như biết chim thích ăn dế thì rải dế chờ chim về… Sau nữa là đầu tư thiết bị, bộ đồ nghề cho người chụp có thể từ vài chục triệu lên đến nửa tỷ đồng. Một ống kính tiêu cự 800mm Tuấn Anh phải mua với giá 200 triệu…
Tất cả những “gian truân” ấy vì cái gì? Tuấn Anh không chụp chim làm sưu tập, không nghiên cứu chim, không chụp ảnh để triển lãm, không tìm giống chim quý, độc lạ… mà đó là quan sát một quy trình kỳ diệu, nằm cạnh nhưng ngoài hẳn tầm mắt của nhân sinh. Những cánh chim lẫn khuất ngoài tầm nhìn, ở trên những rặng cây cao vòi vọi, trong các cánh rừng nguyên sinh hoang sơ, ở trên những đầm lầy không bóng người, hoặc các đàn chim di trú đến từ vô cực và đi về vô cực mà đời người chỉ có thể gặp một lần. Quan sát cái ở ngoài tầm nhìn để nhận ra một thế giới kỳ bí, tinh xảo diệu kỳ của tạo hóa để sau cùng yêu mến và bảo vệ cái kỳ diệu đó.
Anh tâm sự rằng, ở Phú Mỹ Hưng do điều kiện cảnh quan cây xanh và môi trường tốt nên có nhiều loài chim lạ bay về và anh đã chụp được nhiều ảnh chim hoang dã ở đây. Hiện anh đang theo dõi một đàn cò bay về trên hòn đảo giữa Hồ Bán Nguyệt và đang lên kế hoạch chụp đàn cò ấy. Anh rất vui khi giữa lòng một đô thị lớn của thành phố mà hội tụ được các điều kiện để chim hoang dã bay về như thế. Anh cũng mong rằng ở tầm rộng hơn, TP.HCM sẽ giữ được nét đặc sắc này. Dưới đây là một số loài chim mà anh đã chụp được.
CHIM TRẢU NUÔI CON
Chim trảu phân bố ở châu Phi và châu Á, một số ít có ở Nam Âu, Australia và New Guinea. Chúng có bộ lông sặc sỡ đặc trưng, thân mảnh mai và lông đuôi dài. Họ này có 26 loài. Tất cả các loài đều có mỏ dài hướng xuống và cánh dài từ trung bình đến dài, đầu có thể nhọn hoặc tròn. Bộ lông của con đực và con cái thường giống nhau. Trong thế giới chim chóc, họ trảu gồm những loài chim chuyên ăn côn trùng (đặc biệt là ong). Việt Nam là nơi sinh sống của 5/26 loài chim trảu. Trảu họng xanh dài 22-24 cm, là loài định cư không phổ biến tại Nam Trung Bộ và Nam Bộ (ven biển), di cư sinh sản tại Bắc và Trung Trung Bộ, di cư qua Đông Bắc, Trung Trung Bộ và Nam Bộ.

CHIM CU RỐC NUÔI CON TRONG HỐC CÂY Ở PHÚ MỸ HƯNG
Họ cu rốc gồm những loài chim có bộ lông màu xanh óng ả nhìn rất “mát mắt”. Hãy ngắm những loài chim cu rốc hiện diện tại Việt Nam. Chim cu rốc đầu đỏ dài 22-23 cm, là loài thường phân bổ tại Tây Bắc, Đông Bắc và Bắc Trung Bộ (Vườn Quốc gia Hoàng Liên, Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, dãy núi Tây Côn Lĩnh). Sinh cảnh của loài này là rừng lá rụng thường xanh, rừng thứ sinh, độ cao 400-2.400 m.
Hình bên chụp tại cành cây cao ở Phú Mỹ Hưng, cho thấy thiên nhiên, cây xanh của khu đô thị là nơi lý tưởng cho chim muông sinh sống.

CHIM RỒNG RỘC – NHỮNG THỢ XÂY TÀI GIỎI VÀ KHÉO LÉO
Chim rồng rộc đầu vàng là loài chim rất khéo léo và chăm chỉ. Tổ chim có hai loại, tổ chim mái (tổ đẻ) và tổ chim trống (tổ ngủ), đều được chim trống thiết kế thi công. Loài này được tìm thấy ở Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Môi trường sống tự nhiên của chúng là đồng cỏ nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới ẩm ướt theo mùa hoặc vùng đất thấp bị ngập nước, đầm lầy và đất canh tác.

CHIM DI – LOÀI CHIM TRONG NHẠC TRỊNH
Trong ca khúc Diễm Xưa của Trịnh Công Sơn, có tên của một loài chim ở câu hát: “Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động/Làm sao em nhớ những vết chim di”. “Di” ở đây là lấy từ chữ kép “thiên di” để ám chỉ loài chim di chuyển theo mùa hoặc là tên một loại chim nhỏ bé gọi là chim ri, được nói trại đi là chim di.

Chim di đầu trắng thường thấy tại miền Nam nước ta, hay sống ở vùng đầm lầy, cây bụi, đến mùa sẽ tập trung nhiều tại các cánh đồng phù sa canh tác lúa nước. Chúng có chiếc mỏ màu xanh lơ và cái đầu trắng muốt khi trưởng thành, rất độc đáo. Họ chim di gồm những loài chim nhỏ ăn hạt, thường có màu sặc sỡ, tính bầy đàn cao. Có nhiều loài chim di đẹp, độc đáo phân bố khắp lục địa Úc – Á – Phi, trong đó có Việt Nam.